(Lam me) - (Eva.vn) Thật khó đối với các bậc cha mẹ khi bảo bé lên 3 vâng lời. Bởi vì tuổi này bé thường có những phản ứng thất thường, lúc 'nắng' lúc 'mưa'...
Trẻ lắng nghe sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng, có thể giao tiếp và kết thân được với nhiều bạn bè. Tuy nhiên, trẻ trong độ tuổi này luôn luôn không biết lắng nghe. Bạn cần dạy cho trẻ cách chúng phải tập trung chú ý lắng nghe như thế nào.
Một số bậc cha mẹ không nhận thức được rằng, bạn là người ‘khổng lồ’ với bé. Vì thế, mỗi khi nói chuyện hoặc sai bé điều gì, bạn nên ngồi xuống, nhìn thẳng vào mắt bé, tạo cho bé sự tập trung.
Ví dụ: Trong bữa ăn sáng, thay vì đứng nhấp nhổm để làm hết việc này đến việc kia, bạn hãy ngồi đối diện với bé trong bàn ăn, cũng có thể ngồi bên cạnh nhắc nhở bé những việc bé sẽ làm trong ngày hoặc những việc bé không nên.
Làm cho mọi việc rõ ràng
Bạn đưa ra một thông điệp rõ ràng, đơn giản và phổ thông cho bé. Trẻ sẽ quên ngay nếu câu đó quá dài, quá lôi thôi và đôi khi mẹ nói bé không hiểu gì. Ví dụ như thay vì: ‘Trời rất nóng, và con sẽ bị ốm nếu đi ra ngoài mà không có mũ. Vì vậy, con hãy đội mũ vào’ thì bạn nên nói: ‘Con đội mũ vào đi’. Đôi khi bạn nên ra cho bé những mệnh lệnh ngắn như: ‘Con mặc áo ấm vào đi’.
Hành động sau lời nói
Làm cho câu nói của bạn rõ ràng nhưng không có nghĩa là bạn quát và đe dọa bé. Bé sẽ cảm thấy bạn là người độc đoán và bé chỉ sợ chứ không phục. Ví dụ khi bạn bảo bé uống sữa thì hãy đưa sữa cho bé. Đừng nói quá nhiều mà quên mất hành động đó. Bé sẽ thấy bạn không đáng tin.
Những thông điệp có ‘trọng lượng’
Thông điệp này cần đòi hỏi sự mạnh mẽ trong lời nói, ngữ điệu và kèm theo hành động đi theo. Ví dụ khi bạn nói: ‘Đã đến lúc đi ngủ rồi’ thì hãy kèm theo hành động bế bé hoặc dắt bé đi vào phòng ngủ, đồng thời tắt đèn.
Đưa ra những cảnh báo
Dấu hiệu ở đây có thể là tiếng gọi cũng có thể là giới hạn thời gian. Ví dụ: Khi bạn sắp vào bếp chuẩn bị bữa tối, bé đang chơi ngoài phòng khách. Bạn dặn bé rằng: ‘Mẹ phải nấu bữa tối. Khi nào mẹ gọi, con hãy vào rửa tay nhé!’.
Đưa ra sự hướng dẫn thực tế
Nếu bạn đưa ra một chỉ dẫn mù mờ như: ‘Cất đồ chơi đi’, bé sẽ chẳng hiểu cất cái gì và cất vào đâu. Thay vì nói câu đó, bạn hãy đưa ra chỉ dẫn cụ thể: ‘Con hãy cất con gấu bông màu xám vào trong ngăn tủ đi’. Sau đó, nếu bé làm được rồi, bạn hãy khuyến khích: ‘Tốt lắm, bây giờ thì con cất chiếc tàu hỏa vào ngăn tủ dưới’.
Động cơ
Bạn đưa ra những mệnh lệnh kèm theo những cáu gắt thật không vui chút nào và bé cũng cảm thấy hơi ‘ấm ức’. Mệnh lệnh kèm theo một sự hài hước, không quá căng thẳng mà rất mạnh mẽ sẽ khiến bé vui lòng làm theo bạn. Ví dụ: Trong một vài trường hợp, bạn có thể dùng âm nhạc để thu hút bé và đưa ra mệnh lệnh. Đôi khi đi kèm theo một vài lời khen cũng khiến bé thích thú.
Làm gương cho bé về cách cư xử đúng đắn
Bạn bắt trẻ phải nghe lời, không hỗn, phải lịch sự song bạn là người bỗ bã, không điềm tĩnh và hỗn hào với người khác thì làm sao mà bé nghe lời bạn.
Hãy là tấm gương cho bé noi theo bởi cách cư xử nhã nhặn, lắng nghe và tôn trọng bé.